Nếu bạn không học ngoại ngữ khi còn nhỏ, bạn sẽ không bao giờ thành thạo ngữ pháp của nó

From Antimoon Translation Project

Đây là phiên bản tổng quát hơn của giai thoại “giọng nước ngoài” (Foreign accent, ý ở đây là nói Tiếng Anh với giọng từ ngôn ngữ gốc, ví dụ ở Việt Nam thì khá nhiều người vẫn còn nói Tiếng Anh nhưng với phát âm rất “Việt” và ngữ pháp đôi khi cũng rất “Việt” nữa) được mô tả trong bài viết trước trong loạt bài này. Nó có nguồn gốc từ Giả thuyết về độ tuổi vàng do Eric Lenneberg đề xuất vào năm 1967.

Lenneberg cho rằng ngôn ngữ đầu tiên của một người phải được học trước tuổi dậy thì (khoảng 12 tuổi). Ông khẳng định sau tuổi dậy thì, những thay đổi về thần kinh trong não khiến việc học “hoàn toàn” được một ngôn ngữ là điều bất khả. Để củng cố giả thuyết của mình, Lenneberg chỉ ra những ví dụ về những đứa trẻ bị cô lập với những người khác và không được tiếp xúc với ngôn ngữ đầu tiên cho đến sau tuổi dậy thì. Những đứa trẻ như vậy liên tục mắc những lỗi ngữ pháp cơ bản, bất kể chúng đã cố gắng học ngôn ngữ đó bao lâu. Giả thuyết về độ tuổi vàng đã được khái quát hóa để nói về việc tiếp thu ngoại ngữ thứ hai/ngoại ngữ, dẫn đến những nhận định như: “Nếu bạn không học ngoại ngữ thứ hai/ngoại ngữ trước tuổi dậy thì, bạn sẽ luôn gặp vấn đề với một số phần ngữ pháp” Điều này vô hình chung khiến cho những người học ngôn ngữ coi việc mắc lỗi là một điều cần thiết và ngăn cản họ cố gắng cải thiện

Thực tế thì:

Trình độ ngữ pháp liên quan nhiều đến lượng kiến ​​thức đầu vào bạn nhận được hơn là thời gian bạn bắt đầu học.

Lấy ví dụ của tôi: Tôi sinh ra ở Ba Lan và bắt đầu tham gia các lớp học tiếng Anh từ năm 6 tuổi. Mặc dù tuổi còn trẻ (theo lý thuyết, điều đó lẽ ra phải cho phép tôi học rất nhanh), nhưng tôi đã không thể tiếp thu được ngôn ngữ này. Sau 9 năm tham gia lớp học, kiến ​​thức ngữ pháp của tôi vô cùng hạn chế và tôi luôn mắc vô số lỗi ngữ pháp. Cuối cùng, ở tuổi 15, tôi bắt đầu học tiếng Anh một cách nghiêm túc - đọc sách, sử dụng phần mềm lặp lại ngắt quãng, sử dụng từ điển, v.v.

Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, tôi đã qua giai đoạn quan trọng của mình, nhưng hãy đoán xem - tôi bắt đầu đạt được những tiến bộ vượt bậc. Tôi học nhanh hơn những gì tôi từng học khi còn nhỏ. Trong 2-3 năm, tôi đã thành thạo ngữ pháp, cách phát âm và từ vựng như người bản xứ.

Hiện nay, tiếng Anh của tôi gần như tốt như người bản xứ. Bài viết của tôi rất tự nhiên và về cơ bản là hoàn hảo. Sau vài ngày luyện nói, giọng của tôi trở nên không thể phân biệt được với giọng của người bản xứ Mỹ. Khi tôi đến California vào mùa xuân này, tôi đã gặp một số người không thể tin rằng tôi không sinh ra ở Mỹ cho đến khi tôi cho họ xem hộ chiếu Ba Lan của mình.

Thỉnh thoảng tôi mắc lỗi (hầu như tôi luôn nhận thức được chúng), nhưng điều đó không làm tôi bận tâm vì tôi có lý do để tin rằng chúng sẽ nhanh chóng biến mất nếu tôi nói tiếng Anh hàng ngày.

Tôi 25 tuổi và tôi chắc chắn mình có thể thành thạo một ngôn ngữ Châu u khác giống như tôi thành thạo tiếng Anh. (Tôi không chắc về tiếng Trung và các ngôn ngữ ngoài châu u khác.) Dựa trên kinh nghiệm của mình, tôi chắc chắn không nghĩ mình sẽ “quá già” để tiếp thu bất kỳ phần ngữ pháp tiếng Pháp hoặc tiếng Đức nào.